• +84 28 38630088
  • phamtruongvu1111@gmail.com

"THÀNH CÔNG CỦA BẠN LÀ THÀNH CÔNG CỦA CHÚNG TÔI" "THÀNH CÔNG CỦA BẠN LÀ THÀNH CÔNG CỦA CHÚNG TÔI"
"THÀNH CÔNG CỦA BẠN LÀ THÀNH CÔNG CỦA CHÚNG TÔI"
"THÀNH CÔNG CỦA BẠN LÀ THÀNH CÔNG CỦA CHÚNG TÔI"

Hải quan TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh hiện đại hóa, tạo bước đệm thực hiện mô hình Hải quan thông minh

Nhiều chương trình cải cách, hiện đại hóa đã và đang được Cục Hải quan TPHCM triển khai hiệu quả, tạo bước đệm vững chắc, hướng đến mô hình Hải quan thông minh.

Công chức Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất – Cục Hải quan TPHCM kiểm tra hàng hóa qua máy soi. Ảnh: T.H

Hiện đại hóa từ quản lý đến nghiệp vụ

Vừa hoàn thành Chiến lược cải cách, phát triển hải quan giai đoạn 2016-2020, Cục Hải quan TPHCM đang tích cực tham gia cùng Tổng cục Hải quan xây dựng hải quan số, mô hình hải quan thông minh. Một trong những mục tiêu của chương trình này là hiện đại hóa công tác hải quan. Chính vì vậy, Cục Hải quan TPHCM đã chủ động xây dựng, triển khai các chiến lược cải cách hiện đại hóa nhằm phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế của đơn vị hải quan địa phương lớn nhất cả nước.

Theo đó, năm 2021, Cục Hải quan TPHCM tiếp tục mở rộng triển khai 2 đề án lớn được triển khai từ năm 2020 liên quan đến tạo thuận lợi thương mại, chống ùn tắc tại cảng Cát Lái và cải tiến công tác quản lý nội bộ của cục hải quan cũng như hướng tới đẩy mạnh hỗ trợ cho hoạt động nghiệp vụ thông qua việc xây dựng và triển khai hệ thống quản trị hải quan. Với 2 chương trình này, tất cả các lĩnh vực từ công tác quản lý cán bộ, công tác văn phòng tới các hoạt động nghiệp vụ đều được áp dụng công nghệ theo hướng chuyển đổi số nhằm đáp ứng được yêu cầu quản lý trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Theo Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng, trước bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, lưu lượng hàng hoá lưu thông giữa các nước ngày càng gia tăng; Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ;… đặt ra yêu cầu cơ quan Hải quan phải áp dụng hình thức quản lý mới tiên tiến với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại tối đa cho doanh nghiệp. Ngoài 2 chương trình cốt lõi trên, trong năm 2021, Cục Hải quan TPHCM đã chủ động cải cách hành chính, hiện đại hoá hải quan phục vụ hội nhập và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, như: Tiếp tục vận hành và triển khai hiệu quả Hệ thống VNACCS/VCIS và các chương trình vệ tinh hỗ trợ cho hoạt động nghiệp vụ theo phương thức quản lý hiện đại, tập trung; triển khai đầy đủ, hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN; nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành; tăng cường phương thức kiểm tra hàng hóa và hành lý bằng máy soi nhằm giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan, từng bước thực hiện kiểm tra trước khi thực hiện thủ tục hải quan; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao nhất, tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn. Thực hiện đào tạo, hướng dẫn quy trình nghiệp vụ, phần mềm và tiếp nhận các trang thiết bị triển khai hệ thống seal định vị điện tử phục vụ công tác giám sát đối với hàng hoá chịu sự giám sát hải quan vận chuyển bằng container; triển khai chính thức hệ thống giám sát tự động đường hàng không với loại hình hàng hoá XNK tại Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Sẵn sàng thực hiện thí điểm

Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng cho rằng, công tác cải cách, hiện đại hoá hải quan của Cục Hải quan TPHCM trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, hiệu quả quản lý. Đặc biệt việc ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các phương pháp quản lý hiện đại trong thời gian qua đã giúp Cục Hải quan TPHCM thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”, vừa đảm bảo các yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vừa duy trì ổn định công tác quản lý nhà nước về hải quan, thúc đẩy, tạo thuận lợi thương mại, phát triển kinh tế – xã hội.

Tuy nhiên, để xây dựng nền tảng vững chắc, tạo bước đệm hướng tới thực hiện mô hình hải quan thông minh, Cục Hải quan TPHCM kiến nghị, cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hải quan. Trong đó, cần sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật, nhất là Luật Hải quan theo hướng tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai mô hình quản lý hải quan thông minh cũng như cải cách các thủ tục liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa theo chuẩn mực của Công ước Kyoto (sửa đổi), cam kết theo Hiệp định tạo thuận lợi thương mại (TFA) của WTO và các FTA mà Việt Nam tham gia ký kết…

Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu cải cách hiện đại hóa, tạo thuận lợi thương mại, hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, tăng thu ngân sách, đồng thời phát huy hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, Cục Hải quan TPHCM kiến nghị, đề xuất một số nội dung quan trọng. Đối với công tác quản lý kiểm tra chất lượng nhà nước về hàng hóa xuất nhập khẩu, kiến nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đã được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021.

Nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan Hải quan trong thời kỳ mới sẽ là công tác phòng chống vận chuyển buôn bán trái phép ma túy, vũ khí, động thực vật hoang dã, hàng cấm; phòng chống gian lận xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền SHTT, chuyển tải bất hợp pháp… Do đó, cần trang bị đầy đủ cho cơ quan hải quan các trang thiết, máy móc hiện đại để thực thi nhiệm vụ

Theo lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đang xây dựng “Đề án mô hình quản lý Hải quan thông minh”, Hải quan TPHCM đang tham gia rất tích cực với vai trò là đơn vị trủ trì nhiều quy trình nghiệp vụ quan trọng. Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chắc chắn, Cục Hải quan TPHCM mạnh dạn đăng ký là đơn vị đầu tiên thực hiện thí điểm khi Đề án được thông qua.

Get a quote Tracking